Viêm nướu: Đây là giai đoạn đầu của bệnh, xảy ra khi mảng bám trên răng gây kích ứng lợi, khiến lợi trở nên sưng đỏ và có thể chảy máu khi đánh răng. Tuy nhiên, do giai đoạn này chỉ mới tác động tới phần nướu chứ chưa gây ảnh hưởng đến các cấu trúc nâng đỡ răng nên ổ xương răng vẫn còn chắc và ôm vững chân răng.
Viêm nha chu: Nếu không được điều trị, bệnh viêm nướu có thể tiến triển thành bệnh viêm nha chu. Ở giai đoạn này, tình trạng nhiễm trùng đã bắt đầu lan rộng xuống phần xương và các mô nâng đỡ răng. Nướu bắt đầu long ra khỏi răng, ổ nha chu (khoảng trống giữa răng và nướu) chứa vi khuẩn và mảnh vụn thức ăn thừa được hình thành, góp phần làm bệnh nha chu nặng hơn. Viêm nha chu thường có các dấu hiệu sau: hôi miệng kéo dài, tụt lợi, lợi chuyển màu đỏ đậm, răng lung lay hoặc trở nên nhạy cảm, có cảm giác không bình thường khi nhai, v..v…
Viêm nha chu nặng: Khi bệnh viêm nha chu tiến triển sang giai đoạn nặng, các ổ nha chu sẽ tiếp tục ăn sâu và cùng lúc đó, vi khuẩn sống trong các ổ nha chu cũng trở nên độc hại hơn, làm bệnh tiến triển nặng hơn. Các mô nâng đỡ răng lúc này đã bị hư hoại hoàn toàn, khiến chức năng nhai bị ảnh hưởng, răng có thể bị lung lay hoặc có thể dẫn đến rụng răng.
Bệnh nha chu là một bệnh lý răng miệng phổ biến mà ai cũng có thể gặp phải. Những người hay hút thuốc lá hoặc vệ sinh răng miệng kém là các đối tượng có nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Ngoài ra, một số yếu tố khác như chế độ dinh dưỡng kém, sự thay đổi của hormone trong cơ thể phụ nữ, bệnh lý (ví dụ như tiểu đường, AIDS), thuốc, gen di truyền, căng thẳng,… cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm lợi.
Bạn cần đi khám nha khoa nếu gặp phải những dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ được đề cập ở trên. Dựa vào từng giai đoạn của bệnh mà Bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị thích hợp. Nếu bệnh mới ở giai đoạn khởi phát – bệnh viêm nướu, bệnh có thể được chữa khỏi nhanh chóng nếu bạn thực hiện tốt vệ sinh răng miệng và thường xuyên kiểm tra nha khoa định kỳ. Đối với giai đoạn viêm nha chu, bạn cần phải đến các cơ sở y tế để lấy cao răng, làm sạch sâu và sử dụng thêm thuốc sát khuẩn, kháng viêm. Khi bệnh viêm nha chu đã tiến triển nặng, các Bác sĩ có thể cần phải thực hiện giải phẫu.